26 Tháng Bảy, 2024

Goctonvinh.com

Người Nổi Tiếng I Kênh tin tức giải trí hàng đầu Việt Nam

Gói 1,9 nghìn tỷ USD của ông Biden sẽ “giải cứu” nước Mỹ như thế nào?

Sau khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải bắt tay ngay vào xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước Mỹ đang đối mặt – một tình thế tương tự như khi ông trở thành Phó tổng thống cách đây 12 năm.

Tuy nhiên, lần khủng hoảng này không giống trước đây và cách phản ứng của ông Biden cũng phải khác.

NHỮNG NÉT MỚI TRONG KẾ HOẠCH CỦA ÔNG BIDEN

Vào hôm 14/1, ông Biden đề xuất một gói kích cầu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mang tên “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” để vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi cú sốc đại dịch Covid-19. Nếu so với gói kích cầu của Tổng thống Barack Obama hồi khủng hoảng tài chính 2009, kế hoạch của ông Biden không chỉ lớn hơn nhiều mà còn được đánh giá là nhằm cụ thể hơn vào những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế. Tờ New York Times nói rằng kế hoạch của ông Biden không nhằm mục đích tạo ra đủ lực cầu tiêu dùng để đưa nền kinh tế phục hồi thật nhanh – điều thường thấy ở những gói kích cầu kiểu truyền thống thường được đưa ra trong những cuộc suy thoái trước đây.

Thay vào đó, kế hoạch này nhằm hâm nóng hoạt động kinh tế thông qua các biện pháp mạnh mẽ hơn chống lại để Covid-19, bao gồm đẩy mạnh công tác xét nghiệm và tiêm chủng. Kế hoạch cũng đặt trọng tâm hỗ trợ những đối tượng người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Kế hoạch đề xuất hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cho phần lớn dân Mỹ, sau khi mỗi người đã được phát 600 USD trong gói kích cầu gần 900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 12 vừa qua. Người thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 400 USD/tuần cho tới hết tháng 9 năm nay và tiền lương tối thiểu sẽ được nâng lên 15 USD/giờ. Người vay thế chấp nhà được hỗ trợ giãn nợ cho tới cuối tháng 9.

Số tiền 350 tỷ USD trong gói kích cầu trên sẽ được cấp cho các chính quyền tiểu bang và địa phương; 170 tỷ USD sẽ dùng để hỗ trợ các trường học và cơ sở giáo dục để bảo đảm an toàn khỏi virus corona; 50 tỷ USD được chi để tăng cường công tác xét nghiệm Covid-19; 20 tỷ USD dành cho chương trình tiêm chủng Covid-19 trên toàn quốc…

“Mọi phương diện của kế hoạch này cho thấy ông Biden đã học được một bài học từ năm 2009. Đó là phải làm lớn, dứt khoát, và làm nhiều hơn những gì mọi người cho là có thể”, ông Jason Furman, một cựu cố vấn kinh tế của ông Obama nhận định trên New York Times. Đội chuyên gia kinh tế của ông Biden – bao gồm nhiều nhân vật kỳ cựu từ thời ông Obama – cũng nói họ đã rút ra bài học từ 12 năm trước và nhìn rõ những thách thức mà Covid-19 gây ra cho nước Mỹ trong lần khủng hoảng này.

“Kế hoạch phản ánh đánh giá sát sao tình hình kinh tế hiện nay. Dựa trên đánh giá này, kế hoạch được đưa ra có nhiều khác biệt so với kích cầu trong những lần suy thoái trước đây”, ông Brian Deese, người được ông Biden chọn để lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia, phát biểu. “Nếu muốn mọi người đi làm trở lại, chúng ta phải mở cửa lại các trường học. Nếu muốn mở lại trường, chúng ta cần xét nghiệm. Nếu muốn tạo ra một cây cầu dẫn nền kinh tế tới hồi phục, chúng ta cần hỗ trợ trực tiếp ở mức cao. Đó là những điểm khác so với năm 2009”.

QUAN ĐIỂM CỦA QUỐC HỘI MỸ

Hầu hết các chi tiết của kế hoạch mà ông Biden đưa ra đều rõ ràng, dễ hiểu và nhiều khả năng “được lòng dân” ngay tức khắc hơn so với những biện pháp cắt giảm thuế bị đánh giá là “kín đáo” mà ông Obama đưa ra trong gói kích cầu năm 2009. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân là một điểm khiến một số chuyên gia kinh tế lo ngại, cho rằng đây là một sự lãng phí nguồn lực chính phủ.

Quy mô 1,9 nghìn tỷ USD của kế hoạch cũng có thể vấp phải sự phản đối của Đảng Cộng hòa. Nhiều nghị sỹ Cộng hòa đã lên tiếng bày tỏ quan điểm rằng gói kích cầu này là quá lớn nếu xét đến việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chi 2,2 nghìn tỷ USD vào tháng 3/2020 và gần 900 tỷ USD vào tháng 12 vừa qua để kích cầu.

Đảng Dân chủ của ông Biden đang nắm quyền kiểm soát ở Hạ viện và sẽ chiếm đa số ở Thượng viện trong khóa tới. Tuy nhiên, thế đa số của phe Dân chủ ở Thượng viện sẽ là mong manh, bởi các nghị sỹ của đảng này sẽ chỉ chiếm 50/100 ghế và phải cần tới lá phiếu của Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris để phá vỡ thế cân bằng. Chưa kể, một số thành viên thuộc phái bảo thủ trong Đảng Dân chủ có thể không đồng tình với kế hoạch bởi thâm hụt ngân sách Mỹ hiện đã quá lớn. Bởi vậy, để gói kích cầu được thông qua, ông Biden phải thuyết phục được một số nhất định nghị sỹ Cộng hòa.