Hải Nam – một hòn đảo nhiệt đới cách Hồng Kông 450 km về phía tây nam, từng là một vùng ngổn ngang với các khu nghỉ dưỡng bình dân chủ yếu phục vụ những du khách Trung Quốc không đủ khả năng chi trả để tới Hawaii nghỉ ưỡng. Ngày nay, nó đã thu hút khách du lịch với khả năng chi trả tốt hơn. Mua một chiếc áo choàng Gucci hoặc một món đồ trang sức hiệu Tiffany tại một trong những trung tâm mua sắm sang trọng, khổng lồ của Hải Nam đem lại cảm giác không khác gì mua sắm trên Đại lộ số 5 ở New York hoặc Đại lộ Montaigne ở Paris.
Thay vì đi ra ngoài mua sắm, du khách từ Trung Quốc đại lục lựa chọn mua sắm tại sân bay trên đường trở về, hoặc đến thẳng đó. Theo các quy tắc được đưa ra cách đây một thập kỷ, đối với việc đánh thuế hàng hoá, Hải Nam được coi như một khu vực tách biệt với Trung Quốc đại lục, và do đó người mua được miễn rất nhiều loại thuế. Kết quả là những người mua sắm tại đây có thể tiết kiệm tới 30% số tiền.
Mua sắm miễn thuế gợi lên hình ảnh của các nhà ga và sân bay đông đúc. Vì đại dịch Covid-19 đã khiến những sân bay vắng bóng khách du lịch, các cửa hàng bên trong cũng phải chịu thiệt hại nặng nề. Theo Generation Research, một công ty tư vấn, doanh số bán hàng miễn thuế đạt 86 tỷ USD vào năm 2019, và con số này đã giảm 2/3 vào năm ngoái.
Mauro Anastasi của Bain, một công ty tư vấn khác, dự báo doanh số bán lẻ nhờ du lịch sẽ không đạt được mức đó một lần nữa trước nửa sau của thập kỷ. Hành khách liên lục địa và khách doanh nhân, những người chi tiêu nhiều nhất, sẽ còn rất lâu mới quay lại việc di chuyển bằng máy bay. Khách du lịch Trung Quốc – là nhóm tiêu thụ hàng miễn thuế hàng đầu, luôn là những người tránh xa du lịch tới những quốc gia kiểm soát dịch bệnh kém.
Những người mua sắm sẽ sớm trở lại sân bay. Tuy nhiên, bởi những tác động của cuộc khủng hoảng, mua sắm miễn thuế sẽ có sự chuyển đổi sâu sắc: tập trung vào hàng xa xỉ, tách biệt dần khỏi du lịch và gần gũi hơn với những người tiêu dùng thượng lưu ở châu Á. Đảo Hải Nam là một ví dụ.
Triển vọng phục hồi
Trước khi xảy ra Covid-19, bán đồ cho khách du lịch là một trong số ít những điểm sáng của bán lẻ truyền thống. Hoạt động này đã trở nên phổ biến kể từ khi các tàu du lịch trên biển khơi mời chào rượu và thuốc lá miễn thuế tới hành khách của họ. Năm 1950, Ireland áp dụng nguyên tắc này vào ngành hàng không. Khi lượng khách du lịch tăng mạnh, các sân bay trên toàn thế giới tự biến mình trở thành các trung tâm mua sắm miễn thuế.
Tăng trưởng ngành hàng năm khoảng 8% trong những năm trước đại dịch – gấp đôi con số của các cửa hàng khác – được thúc đẩy bởi doanh số bán rượu cognac, kính râm, ví và các loại quần áo khác. Doanh số bán hàng đã tăng gấp 8 lần kể từ cuối những năm 1980. Những người tiếp thị hào hứng gọi các cửa hàng miễn thuế là “lục địa thứ sáu”.
Tin Khác
“Dẫn Đường Cho Tương Lai: Vinfly và Sứ Mệnh Du Học Hàn Quốc”
“Tạo Dựng Kết Nối Khách Hàng: Sứ Mệnh Đặc Biệt của Factorazy”
Vượt khó mùa Covid-19, quốc đảo Maldives tạo ra dịch vụ giãn cách xã hội sang chảnh như thiên đường để hút khách