27 Tháng Bảy, 2024

Goctonvinh.com

Người Nổi Tiếng I Kênh tin tức giải trí hàng đầu Việt Nam

Đào Đức Hiếu người vẽ ” ngôi làng hạnh phúc ” trên mây

Đào Đức Hiếu – kiến trúc sư trẻ quê Hà Nội nỗ lực từng ngày để biến nơi đây thành ngôi làng hạnh phúc. Ước vọng của anh là làm sao để 5.000 người Mông ở xã nghèo 135 “mù tịt” về du lịch được an yên trong từng hơi thở.

Đã có lúc, người Mông bảo “A Hiếu về Hà Nội đi, đừng ở đây nữa”. Đã có lúc, bà con nói rằng: “A Hiếu đừng xui chúng tao làm nhà vệ sinh. Chúng tao còn chưa xây được nhà cho người ở chứ đừng nói xây nhà cho cứt ở”. Đã có lúc, A Hiếu bị cả bản làng xa lánh vì không biết uống rượu.

Nơi núi cao rừng thiêng, chàng trai trẻ không chốn dung thân, phải bỏ tiền thuê chỗ ở và dạy cho dân cách làm dịch vụ để ở nhà mà vẫn có người mang tiền đến; làm thế nào để bán được 1kg trà cổ thụ vài chục triệu đồng chứ không phải là 2-3 triệu đồng. Cách duy nhất để người Mông thay đổi nhận thức của họ là làm thật để chứng minh hiệu quả.

Giống như một kỳ tích, sau 3 năm kể từ khi có sự hiện diện của chàng trai “Giàng A Hiếu” (cái tên người dân bản địa yêu mến đặt cho Đào Đức Hiếu), bản làng tăm tối trên trên đỉnh Suối Giàng đã được đánh thức với hàng loạt mô hình du lịch cộng đồng độc đáo “Giàng House – Ngôi nhà của em”, “Ngồi làng hạnh phúc Nahi Village”, “Enna Suối Giàng – làng trà, cắm trại, ẩm thực”, không gian văn hóa trà Suối Giàng… và homestay do chính bàn tay của những chàng trai Mông xây dựng.

Trong không gian của lớp học sẻ chia, những đứa trẻ không chỉ được học tiếng Anh miễn phí mà còn được đào tạo nghề để trở thành những hướng dẫn viên chuyên nghiệp. A Hiếu cùng các cộng sự muốn đồng bào bào Mông sống trên đỉnh núi có tư duy toàn cầu và làm giàu trên quê hương.

Từ một ” Suối Gìang chẳng có gì “
Một buổi chiều thu năm 2018, Đào Đức Hiếu vượt những khúc cua tay áo trên con đường lởm chởm đá sỏi dốc đứng lên đỉnh núi Suối Giàng ngắm hoàng hôn. Vẻ đẹp ngỡ ngàng của nắng vàng như mật giữa không gian toàn cây cỏ của vùng đất nguyên sơ khiến chàng kiến trúc sư mê chơi ảnh xiêu lòng.

Nhưng, khi ánh hoàng hôn lặn xuống, cả đỉnh núi chìm trong bóng tối. Một đỉnh núi được quy hoạch làm du lịch từ năm 2007 nhưng giống như nàng công chúa ngủ trong rừng, không có nơi nào để lưu trú, thậm chí không có nổi một cái nhà vệ sinh. Anh Hiếu buộc lòng phải xuống núi, về thị xã Nghĩa Lộ để nghỉ.

Đêm ấy, anh trằn trọc vì mất ngủ và quyết định dậy từ 4h sáng trở lại Suối Giàng xem đỉnh núi ấy thức giấc kiểu gì. Một lần nữa chàng kiến trúc sư thốt lên: “Trời ơi, sao lại đẹp thế này”. Đỉnh núi ấy không chỉ thức giấc cùng tiếng gà đen gáy mà còn có tiếng chim rừng và nắng ban mai.

 

 

” Những vùng đất như Suối Giàng trên thế giới đều làm du lịch thành công “

Anh Đào Đức Hiếu Lúc ấy, anh bắt đầu tìm hiểu về Suối Giàng. Bởi, bà con xã nghèo 135 được trời phú ban tặng những cây chè shan tuyết cổ thụ như vậy phải có cơ hội để thoát nghèo chứ. Không thể nào cứ đến mùa đông là bà con lại kêu: “Ôi, lạnh quá!”, “Ôi, đói quá!” để người ta mang chăn, áo ấm hay gạo đến tặng.

Đào Đức Hiếu quyết định viết cuốn sách mang tên: “Giải pháp Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng” với 18 nhiệm vụ cần thực hiện và in 8 bản, sau đó liên hệ gặp lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành để thuyết trình.

Sau hôm ấy, chàng kiến trúc sư trẻ nhận được rất nhiều lời khuyên rằng: “Không làm được du lịch ở Suối Giàng đâu. Ở đó chẳng có gì cả, người ta lên chơi 15 – 20 phút rồi về thôi. Người Mông trên ấy cũng rất bảo thủ, khó hợp tác”.

Anh phản biện: “Không phải vậy”. Những vùng đất như Suối Giàng trên thế giới đều làm du lịch thành công. Ở đó có sản vật của ngành nông nghiệp, có khí hậu 4 mùa trong một ngày, có cảnh quan và bản sắc văn hóa tuyệt vời.

Đào Đức Hiếu có tình cảm đặc biệt với Suối Giàng, bởi anh từng học kiến trúc ở Đại học Vân Nam (Trung Quốc). Đây là thủ phủ của chè cổ thụ trên thế giới. Vì mê trà đạo nên sau giờ học, anh lang thang các vùng chè để học cách làm “tứ đại danh trà” (gồm bạch trà, hồng trà, diệp trà, hoàng trà từ cây trà cổ thụ).

Một viện sỹ người Nga đã đi 120 nước trên thế giới nghiên cứu về các vùng chè cổ thụ và khi đến đỉnh núi Suối Giàng, ông nhận định rằng có lẽ đây mới là thủy tổ của trà shan tuyết. Từ kinh nghiệm 12 năm đi hơn 30 quốc gia trên thế giới để tìm hiểu về cách làm trà, anh muốn chinh phục thử thách mà mọi người nói là “không thể nào làm được” ở vùng cao sơn này.